Tìm kiếm văn bản

Thông tư 37/2015/TT-BGTVT quy định thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Ngày 28/07/2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 37/2015/TT-BGTVT quy định thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ, theo đó quy định về thủ tục cấp, cấp lại và thu hồi Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ tại Việt Nam.

  • Tên văn bản:
    Thông tư 37/2015/TT-BGTVT quy định thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
  • Cơ quan ban hành:
  • Ngày ban hành:
    28/07/2015
  • Số hiệu:
    37/2015/TT-BGTVT
  • Hiệu lực:
    15/09/2015
  • Tình trạng:
    Còn hiệu lực
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
——-
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Số: 37/2015/TT-BGTVT Hà Nội, ngày 28 tháng 07 năm 2015

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP NHẬP KHẨU TÀU BIỂN ĐÃ QUA SỬ DỤNG ĐỂ PHÁ DỠ

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 114/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Môi trường và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

  1. Thông tư này quy định về thủ tục cấp, cấp lại và thu hồi Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ tại Việt Nam.
  2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến thủ tục cấp, cấp lại và thu hồi Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ tại Việt Nam.

Điều 2. Văn bản xác nhận về vốn pháp định

Doanh nghiệp nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ phải có văn bản xác nhận vốn pháp định tối thiểu năm mươi (50) tỷ đồng Việt Nam như sau:

  1. Đối với vốn góp bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ tự do chuyển đổi: Văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng của doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ; việc giải phóng khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện sau khi doanh nghiệp được cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ hoặc khi doanh nghiệp nhận được văn bản thông báo từ chối cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.
  2. Đối với vốn góp bằng tài sản, bất động sản phục vụ trực tiếp cho mục đích kinh doanh nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ: Văn bản của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản, bất động sản.
  3. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trực tiếp xác nhận vốn của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của số liệu tại thời điểm xác nhận.
  4. Đối với các doanh nghiệp đang thực hiện phá dỡ tàu biển, có thể sử dụng bảo lãnh của ngân hàng làm văn bản xác nhận vốn.

Chương II

THỦ TỤC CẤP, CẤP LẠI VÀ THU HỒI GIẤY PHÉP NHẬP KHẨU TÀU BIỂN ĐÃ QUA SỬ DỤNG ĐỂ PHÁ DỠ

Điều 3. Thẩm quyền cấp, cấp lại và thu hồi Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ

Bộ Giao thông vận tải là cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại và thu hồi Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.

Điều 4. Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ

  1. Doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 114/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 114/2014/NĐ-CP) lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ theo quy định tại khoản 2 Điều này, gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam.
  2. Hồ sơ đề nghị bao gồm các giấy tờ sau:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép theo Mẫu số 01 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này (bản chính);

b) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao có chứng thực hoặc bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

c) Sơ đồ tổ chức của doanh nghiệp có các bộ phận chuyên trách theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 của Nghị định số 114/2014/NĐ-CP;

d) Văn bản xác nhận vốn pháp định theo quy định tại Điều 2 của Thông tư này (bản chính).

  1. Tiếp nhận, xử lý hồ sơ

a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định thì cấp Giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo quy định; nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ theo quy định;

b) Trường hợp nhận hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì chậm nhất hai (02) ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam phải có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ;

c) Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng hải Việt Nam thẩm định và báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định;

d) Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận văn bản thẩm định của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ theo Mẫu số 02 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; trường hợp không chấp thuận cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ phải có văn bản thông báo đến doanh nghiệp, Cục Hàng hải Việt Nam và nêu rõ lý do.

  1. Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ có hiệu lực năm (05) năm, kể từ ngày cấp.
  2. Doanh nghiệp có trách nhiệm nộp phí, lệ phí theo quy định.

Điều 5. Thủ tục cấp lại Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ

  1. Trường hợp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ còn hiệu lực nhưng bị mất hoặc bị hư hỏng không thể tiếp tục sử dụng:

a) Doanh nghiệp đề nghị cấp lại Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ gửi một (01) bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam;

b) Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ bao gồm: Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ theo Mẫu số 03 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này (bản chính) và Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ đã được cấp còn hiệu lực đối với trường hợp bị hư hỏng (bản chính);

c) Trình tự tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Thông tư này.

  1. Trường hợp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ còn hiệu lực nhưng doanh nghiệp có thay đổi các nội dung liên quan thể hiện trong Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ đã được cấp:

a) Doanh nghiệp đề nghị cấp lại Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ gửi một (01) bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam;

b) Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ bao gồm: Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ theo Mẫu số 03 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này (bản chính) kèm theo giấy tờ liên quan đến nội dung thay đổi (bản sao có chứng thực hoặc bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) và Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ đã được cấp (bản sao);

c) Trình tự tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Thông tư này;

d) Doanh nghiệp phải nộp lại bản chính Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ cũ ngay sau khi nhận được Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng đế phá dỡ được cấp lại.

  1. Trường hợp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ hết hiệu lực: Doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này.
  2. Thời hạn của Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ được cấp lại như thời hạn của Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ đã được cấp trước đó.
  3. Doanh nghiệp có trách nhiệm nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Thu hồi Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ

  1. Doanh nghiệp thuộc một trong các trường hợp sau đây bị thu hồi Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ:

a) Vi phạm điều kiện được cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 114/2014/NĐ-CP;

b) Cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ;

c) Hoạt động sai mục đích hoặc không đúng với nội dung ghi trong Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ;

d) Doanh nghiệp bị Bộ Giao thông vận tải thu hồi Quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động hoặc ra Quyết định dừng hoạt động cơ sở phá dỡ tàu biển theo quy định tại Điều 15 của Nghị định 114/2014/NĐ-CP.

  1. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện doanh nghiệp thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều này hoặc theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về xử lý vi phạm hành chính có liên quan, Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải ra quyết định thu hồi Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.
  2. Trường hợp doanh nghiệp bị phá sản hoặc giải thể, Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải ra quyết định thu hồi Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ căn cứ vào quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về phá sản hoặc giải thể doanh nghiệp.
  3. Trường hợp doanh nghiệp thay đổi ngành nghề kinh doanh hoặc lý do khác theo đề nghị của doanh nghiệp, doanh nghiệp gửi văn bản kèm theo Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ còn hiệu lực (bản chính) đến Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải ra quyết định thu hồi Giấy phép.
  4. Cục Hàng hải Việt Nam thông báo cho các cơ quan liên quan biết và công bố thông tin doanh nghiệp bị thu hồi Giấy phép trên Trang Thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2015.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
– Như Điều 8;
– Văn phòng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
– Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
– Công báo;
– Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
– Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;
– Báo GT, Tạp chí GTVT;
– Lưu: VT, MT (20).

BỘ TRƯỞNG

Đinh La Thăng

PHỤ LỤC

(Ban hành kèm theo Thông tư số 37/2015/TT-BGTVT ngày 28 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Mẫu số 01 Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ
Mẫu số 02 Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ
Mẫu số 03 Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ

Các mẫu văn bản được đính kèm trong file tải về.