Tìm kiếm văn bản

Thông tư 16/2013/TT-BXD sửa đổi Thông tư 06/2013/TT-BXD hướng dẫn về nội dung Thiết kế đô thị do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

Ngày 16/10/2013, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 16/2013/TT-BXD sửa đổi Thông tư 06/2013/TT-BXD hướng dẫn về nội dung Thiết kế đô thị, theo đó, sửa đổi, bổ sung một số điều trong Thông tư 06/2013/TT-BXD.

  • Tên văn bản:
    Thông tư 16/2013/TT-BXD sửa đổi Thông tư 06/2013/TT-BXD hướng dẫn về nội dung Thiết kế đô thị do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
  • Cơ quan ban hành:
  • Ngày ban hành:
    16/10/2013
  • Số hiệu:
    16/2013/TT-BXD
  • Hiệu lực:
    03/12/2013
  • Tình trạng:
    Còn hiệu lực
BỘ XÂY DỰNG
——–
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Số: 16/2013/TT-BXD Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2013

 

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 06/2013/TT-BXD NGÀY 13 THÁNG 5 NĂM 2013 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG HƯỚNG DẪN VỀ NỘI DUNG THIẾT KẾ ĐÔ THỊ

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Nghị định số 62/2013/NĐ -CP ngày 25 tháng 06 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Theo đề nghị của Vụ Quy hoạch – Kiến trúc;

Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 13 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn về nội dung Thiết kế đô thị.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2013/TT- BXD ngày 13 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn về nội dung Thiết kế đô thị:

  1. Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

 “Điều 2. Yêu cầu chung về Thiết kế đô thị

  1. Thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và đồ án quy hoạch chi tiết phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng và các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan. Các quy định trong Luật quy hoạch đô thị liên quan đến Thiết kế đô thị được cụ thể hóa tại các chương II, III, IV của Thông tư này.
  2. Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt đồ án Thiết kế đô thị riêng thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 32 của Luật quy hoạch đô thị.
  3. Tổ chức, cá nhân tham gia lập đồ án Thiết kế đô thị riêng phải có đầy đủ năng lực theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị. Kiến trúc sư chủ nhiệm đồ án Thiết kế đô thị riêng phải có kinh nghiệm về thiết kế kiến trúc công trình và bảo tồn di sản, di tích (tại khu vực có các di sản, di tích, kiến trúc cổ, cũ).
  4. Đối tượng lập đồ án Thiết kế đô thị riêng gồm: Thiết kế đô thị cho một tuyến phố; Thiết kế đô thị cho các ô phố, lô phố.”
  5. Điều 16 được sửa đổi, bổ sung như sau.

 “Điều 16. Các cơ sở, yêu cầu để lập Thiết đô thị riêng

  1. Thiết kế đô thị riêng cần xác định phạm vi lập Thiết kế đô thị, mục tiêu, nguyên tắc và các quy định về nội dung cần đạt được đối với Thiết kế đô thị và hồ sơ sản phẩm của đồ án Thiết kế đô thị.
  2. Đánh giá hiện trạng và phân tích tổng hợp (lập bảng biểu hệ thống sơ đồ và các bản vẽ minh họa) về: số lượng, tương quan tỷ lệ (%) giữa các thể loại công trình, vật thể kiến trúc; khoảng lùi, chiều cao, màu sắc cho các công trình kiến trúc; cây xanh, địa hình cốt cao độ và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
  3. Nội dung nghiên cứu thiết kế đồ án Thiết kế đô thị riêng

a) Tổ chức không gian quy hoạch, kiến trúc và cảnh

b) Bảo tồn đô thị đối với các đô thị cổ, đô thị cũ…( nếu có)

c) Yêu cầu đối với hệ thống hạ tầng.

d) Đánh giá tác động môi trường. ”

Điều 2. Hiệu lực thi hành

  1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03 tháng 12 năm 2013.
  2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi ý kiến về Bộ Xây dựng để xem xét giải quyết./.
 Nơi nhận:
– Văn phòng Trung ương Đảng;
– Văn phòng Quốc hội;
– Uỷ ban Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Chính phủ;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Toà án nhân dân tối cao;
– Các cơ quan trung ương của các đoàn thể;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh;
– Công báo, website: của Chính phủ, Bộ Xây dựng;
– Lưu: VP, PC, KTQH (05b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Đình Toàn