Tìm kiếm văn bản

Nghị định 119/2015/NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng

Ngày 13/11/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 119/2015/NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Theo đó, các đối tượng sau phải mua bảo hiểm (BH) bắt buộc trong đầu tư xây dựng (ĐTXD):

– Trừ các công trình liên quan quốc phòng, an ninh, bí mật nhà nước, chủ đầu tư hoặc nhà thầu trong trường hợp phí BH công trình đã được tính vào giá hợp đồng phải mua BH công trình trong thời gian XD các công trình sau:
+ Công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng theo Phụ lục II Nghị định 46/2015/NĐ-CP , văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
+ Công trình ĐTXD có ảnh hưởng lớn đến môi trường thuộc danh mục dự án phải đánh giá tác động môi trường theo Phụ lục II, III Nghị định 18/2015/NĐ-CP, văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
+ Công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công XD phức tạp theo quy định pháp luật về XD và pháp luật khác có liên quan.
– Nhà thầu tư vấn phải mua BH trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn ĐTXD với công việc khảo sát, thiết kế XD của công trình từ cấp II trở lên.
– Nhà thầu thi công XD phải mua BH với người lao động thi công trên công trường.

  • Tên văn bản:
    Nghị định 119/2015/NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng
  • Cơ quan ban hành:
  • Ngày ban hành:
    13/11/2015
  • Số hiệu:
    119/2015/NĐ-CP
  • Hiệu lực:
    10/02/2015
  • Tình trạng:
    Còn hiệu lực

CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 119/2015/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2015

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 09 tháng 12 năm 2000;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 24 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về: Trách nhiệm tham gia bảo hiểm bắt buộc, điều kiện triển khai bảo hiểm bắt buộc, số tiền bảo hiểm tối thiểu, nguyên tắc xác định mức phí bảo hiểm và quản lý Nhà nước về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với:

  1. Chủ đầu tư, nhà thầu (trong trường hợp phí bảo hiểm công trình đã được tính vào giá hợp đồng).
  2. Nhà thầu tư vấn.
  3. Nhà thầu thi công xây dựng.
  4. Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (sau đây gọi là “doanh nghiệp bảo hiểm”), doanh nghiệp tái bảo hiểm.
  5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Điều 3. Nguyên tắc tham gia bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng

  1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm và tổ chức nhận tái bảo hiểm nước ngoài phải đáp ứng điều kiện triển khai bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này.
  2. Doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng khi bên mua bảo hiểm đáp ứng đầy đủ điều kiện năng lực xây dựng quy định tại Luật Xây dựng và quy định pháp luật liên quan.
  3. Chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng (sau đây gọi là “bên mua bảo hiểm”) và doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng theo trách nhiệm, mức phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm tối thiểu quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
  4. Chi phí mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định sau:

a) Đối với bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng: Phí bảo hiểm được tính vào tổng mức đầu tư xây dựng;

b) Đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng: Phí bảo hiểm được tính vào giá thành sản phẩm tư vấn;

c) Đối với bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường: Phí bảo hiểm được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh.

  1. Ngoài việc tham gia bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng theo trách nhiệm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu quy định tại Nghị định này, bên mua bảo hiểm có thể tham gia bảo hiểm với trách nhiệm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm cao hơn trên cơ sở thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm và phù hợp với các quy định của pháp luật. Chi phí mua bảo hiểm phát sinh thêm (nếu có) thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều này.
  2. Bên nhận thầu tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba theo Khoản 3 Điều 9 Luật Xây dựng và theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
  3. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm bắt buộc theo quy định tại Nghị định này mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng trên cơ sở thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm và phù hợp với các quy định pháp luật liên quan.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. TRÁCH NHIỆM THAM GIA BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Điều 4. Đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng

  1. Trừ các công trình liên quan đến quốc phòng, an ninh và bí mật nhà nước, chủ đầu tư hoặc nhà thầu trong trường hợp phí bảo hiểm công trình đã được tính vào giá hợp đồng phải mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với các công trình sau:

a) Công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng quy định tại Phụ lục II Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có);

b) Công trình đầu tư xây dựng có ảnh hưởng lớn đến môi trường thuộc danh mục dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Phụ lục II và Phụ lục III Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có);

c) Công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

  1. Nhà thầu tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên.
  2. Nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường.

Điều 5. Thời hạn bảo hiểm

  1. Thời hạn bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư (bao gồm cả điều chỉnh, bổ sung nếu có) và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.
  2. Thời hạn bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc tư vấn đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định pháp luật.
  3. Thời hạn bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc thi công trên công trường đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định pháp luật. Việc xác định thời hạn bảo hiểm cụ thể đối với người lao động căn cứ vào hợp đồng lao động.

Điều 6. Phạm vi bảo hiểm, loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

  1. Phạm vi bảo hiểm

a) Đối với bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng: Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất của công trình xây dựng phát sinh từ mọi rủi ro, trừ các tổn thất quy định tại Khoản 2 Điều này;

b) Đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng: Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu tư vấn có trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất của bên thứ ba và các chi phí có liên quan theo quy định pháp luật phát sinh từ việc thực hiện công việc tư vấn đầu tư xây dựng, trừ các tổn thất quy định tại Khoản 2 Điều này;

c) Đối với bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường: Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu thi công có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gây ra thuộc trách nhiệm bảo hiểm.

2. Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất sau:

a) Tổn thất phát sinh từ hành vi cố ý;

b) Tổn thất không mang tính ngẫu nhiên;

c) Tổn thất không lượng hóa được bằng tiền;

d) Tổn thất mang tính thảm họa;

đ) Tổn thất phát sinh trong trường hợp bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm.

  1. Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Mục 2. ĐIỀU KIỆN TRIỂN KHAI BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Điều 7. Điều kiện đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm triển khai bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng phải đáp ứng các điều kiện sau:

  1. Tại Giấy phép thành lập và hoạt động có nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại, bảo hiểm trách nhiệm (đối với doanh nghiệp bảo hiểm); có nghiệp vụ tái bảo hiểm phi nhân thọ (đối với doanh nghiệp tái bảo hiểm).
  2. Đáp ứng đủ các điều kiện về năng lực tài chính, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ nghiệp vụ theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 8. Điều kiện đối với doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, tổ chức nhận tái bảo hiểm nước ngoài

Trường hợp tái bảo hiểm ra nước ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải tái bảo hiểm cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, tổ chức nhận tái bảo hiểm nước ngoài đáp ứng các điều kiện sau:

  1. Đang hoạt động hợp pháp theo quy định pháp luật của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính.
  2. Được xếp hạng tối thiểu “BBB” theo Standard & Poor’s, “B++” theo A.M.Best hoặc các kết quả xếp hạng tương đương của các tổ chức có chức năng, kinh nghiệm xếp hạng khác trong năm tài chính gần nhất năm nhận tái bảo hiểm.

Điều 9. Mức giữ lại

Nhằm đảm bảo an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm và quyền lợi của bên mua bảo hiểm, căn cứ vào năng lực tài chính, kết quả thẩm định rủi ro, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm quyết định nhận bảo hiểm, nhận tái bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng như sau:

  1. Mức trách nhiệm giữ lại trên mỗi rủi ro hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ không quá 10% vốn chủ sở hữu.
  2. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm nhượng tái bảo hiểm theo chỉ định của người được bảo hiểm (fronting), tỷ lệ tái bảo hiểm chỉ định tối đa là 90% mức trách nhiệm bảo hiểm.

Mục 3. SỐ TIỀN BẢO HIỂM TỐI THIỂU, NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH MỨC PHÍ BẢO HIỂM

Điều 10. Số tiền bảo hiểm tối thiểu

  1. Đối với bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng: Số tiền bảo hiểm tối thiểu là giá trị đầy đủ của công trình khi hoàn thành nhưng không được thấp hơn tổng giá trị hợp đồng xây dựng, bao gồm cả giá trị điều chỉnh, bổ sung (nếu có).
  2. Đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng: Số tiền bảo hiểm tối thiểu bằng giá trị hợp đồng tư vấn, thiết kế.
  3. Đối với bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường: Số tiền bảo hiểm tối thiểu là 100 triệu đồng/người/vụ. Mức bồi thường cụ thể trong trường hợp người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 11. Nguyên tắc xác định mức phí bảo hiểm

Mức phí bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng phải được xác định dựa trên số liệu thống kê, đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm và phải tương ứng với điều kiện bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Chương III

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Điều 12. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

  1. Ban hành quy tắc, điều khoản bảo hiểm, mức phí bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc sau:

a) Bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng;

b) Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng;

c) Bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường.

  1. Hướng dẫn thực hiện chế độ báo cáo, thống kê; chế độ tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm khi triển khai bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
  2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng theo quy định tại Nghị định này.
  3. Quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, xử phạt vi phạm hành chính các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm vi phạm chế độ bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng

  1. Ban hành quy định hướng dẫn theo thẩm quyền về các công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp.
  2. Hướng dẫn việc lập chi phí bảo hiểm trong chi phí đầu tư xây dựng.
  3. Phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
  4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm hành chính đối với bên mua bảo hiểm vi phạm chế độ bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Trách nhiệm của các Bộ, ngành

  1. Phối hợp với Bộ Xây dựng để ban hành theo thẩm quyền các quy định hướng dẫn về công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp.
  2. Phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
  3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, hướng dẫn và thực hiện bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Nghị định này.

Điều 15. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị định, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng tổ chức thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng và áp dụng các biện pháp đề phòng và hạn chế tổn thất.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Điều khoản chuyển tiếp

Các hợp đồng bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng đã giao kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng.

Điều 17. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 02 năm 2016.

Điều 18. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

  1. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện Nghị định này.
  2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: VT, KTTH (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng