BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
——- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————— |
Số: 43/2015/TT-BTNMT |
Hà Nội, ngày 29 tháng 09 năm 2015 |
THÔNG TƯ
VỀ BÁO CÁO HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG, BỘ CHỈ THỊ MÔI TRƯỜNG VÀ QUẢN LÝ SỐ LIỆU QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 06 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư về báo cáo hiện trạng môi trường, bộ chỉ thị môi trường và quản lý số liệu quan trắc môi trường,
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết Khoản 1 Điều 127, Khoản 2 Điều 132 và Khoản 3 Điều 137 Luật bảo vệ môi trường năm 2014.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
- Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia, báo cáo hiện trạng môi trường của địa phương, báo cáo chuyên đề về môi trường của địa phương; xây dựng, thực hiện bộ chỉ thị môi trường.
- Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện chương trình quan trắc môi trường quốc gia; chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn các tỉnh; chương trình quan trắc môi trường của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- Báo cáo hiện trạng môi trường bao gồm báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia, báo cáo hiện trạng môi trường địa phương và báo cáo chuyên đề về môi trường địa phương.
- Báo cáo chuyên đề về môi trường là báo cáo hiện trạng môi trường tập trung và đi sâu vào một chủ đề môi trường hay một thành phần môi trường đang nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội và của cơ quan quản lý môi trường.
- Bộ chỉ thị môi trường là tập hợp các chỉ thị môi trường. Chỉ thị môi trường bao gồm 01 hoặc nhiều chỉ thị thứ cấp.
- Chỉ thị môi trường thứ cấp là một hay một nhóm các thông số môi trường cơ bản, liên quan trực tiếp đến mỗi chỉ thị môi trường.
- Phiếu chỉ thị môi trường là công cụ dùng để quản lý thông tin số liệu của mỗi chỉ thị môi trường.
- Mô hình DPSIR là mô hình mô tả mối quan hệ tương hỗ giữa Động lực D (phát triển kinh tế – xã hội, nguyên nhân sâu xa của các biến đổi môi trường) – Sức ép – P (các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm và suy thoái môi trường) – Hiện trạng – S (hiện trạng chất lượng môi trường) – Tác động – I (tác động của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe cộng đồng, hoạt động phát triển kinh tế – xã hội và môi trường sinh thái) – Đáp ứng – R (các đáp ứng của nhà nước và xã hội để bảo vệ môi trường).
Chương II
BÁO CÁO HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG VÀ BỘ CHỈ THỊ MÔI TRƯỜNG
Mục 1: BÁO CÁO HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG
Điều 4. Trách nhiệm và thời gian lập báo cáo hiện trạng môi trường
- Tổng cục Môi trường giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường lập báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia theo quy định tại Khoản 1 Điều 137 Luật bảo vệ môi trường năm 2014. Báo cáo được lập, phê duyệt trước tháng 5 của năm tiếp theo.
- Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Sở Tài nguyên và Môi trường) giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) lập báo cáo hiện trạng môi trường của địa phương, báo cáo chuyên đề về môi trường của địa phương theo quy định tại Khoản 2 Điều 137 Luật bảo vệ môi trường năm 2014. Báo cáo được lập, phê duyệt trước tháng 10 của năm thực hiện lập báo cáo.
Điều 5. Phương pháp xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường
- Báo cáo hiện trạng môi trường được xây dựng theo mô hình Động lực – Sức ép – Hiện trạng – Tác động – Đáp ứng (mô hình DPSIR).
- Sử dụng bộ chỉ thị môi trường quy định tại Mục 2 Chương này để thu thập thông tin, dữ liệu.
Điều 6. Nguồn thông tin phục vụ lập báo cáo hiện trạng môi trường
- Thông tin môi trường từ các báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia và báo cáo hiện trạng môi trường của địa phương, báo cáo chuyên đề về môi trường địa phương đã được phê duyệt.
- Thông tin từ các Niên giám thống kê quốc gia, ngành và địa phương.
- Kết quả của các chương trình quan trắc môi trường.
- Thông tin từ các bộ, ngành, các sở, ban ngành liên quan.
- Thông tin từ các nguồn khác: kết quả của các chương trình nghiên cứu khoa học hoặc đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ và cấp tỉnh đã được nghiệm thu.
- Thông tin từ các chương trình điều tra, khảo sát bổ sung về những vấn đề môi trường chuyên đề nhằm mục đích hỗ trợ dữ liệu cho công tác lập báo cáo hiện trạng môi trường.
Điều 7. Các đánh giá trong báo cáo hiện trạng môi trường
- Đánh giá mức độ hoàn thành các chỉ tiêu về môi trường với các mục tiêu môi trường trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia đối với báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, thành phố đối với báo cáo hiện trạng môi trường của địa phương.
- Đánh giá chất lượng môi trường vùng, khu vực, tỉnh, thành phố đối với báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia; đánh giá chất lượng môi trường quận, huyện, xã đối với báo cáo hiện trạng môi trường của địa phương.
- Đánh giá chất lượng môi trường giữa các năm và giữa các kỳ báo cáo.
- Đánh giá các thông số môi trường, so sánh với quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc tiêu chuẩn môi trường.
- Việc đánh giá quy định tại Khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều này được thực hiện để phân tích, xếp hạng các vấn đề môi trường nhằm xác định những vấn đề môi trường cần quan tâm giải quyết của quốc gia hoặc địa phương.
Điều 8. Cấu trúc, nội dung báo cáo hiện trạng môi trường
- Cấu trúc, nội dung báo cáo hiện trạng môi trường thực hiện theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
- Cấu trúc, nội dung báo cáo chuyên đề về môi trường thực hiện theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Trong quá trình lập báo cáo, trên cơ sở thực tế, áp dụng toàn bộ hoặc lược bỏ những nội dung không liên quan; giữ nguyên hoặc sắp xếp lại trật tự cấu trúc nhưng phải bảo đảm đầy đủ các nội dung quy định tại Điều 138 Luật bảo vệ môi trường năm 2014.
Điều 9. Trình tự lập báo cáo hiện trạng môi trường
- Đề xuất, trình phê duyệt chủ đề báo cáo đối với báo cáo chuyên đề về môi trường.
- Xây dựng khung cấu trúc báo cáo.
- Thu thập, tổng hợp, xử lý thông tin, số liệu.
- Xây dựng dự thảo báo cáo.
- Tham vấn các bên liên quan về dự thảo báo cáo.
- Trình, phê duyệt báo cáo.
- Cung cấp, công khai báo cáo.
Trình tự lập báo cáo hiện trạng môi trường thực hiện theo quy định tại các Điều 10, 11, 12 và Điều 13 Thông tư này.
Điều 10. Đề xuất, phê duyệt chủ đề báo cáo chuyên đề về môi trường
- Căn cứ những vấn đề bức xúc về môi trường và công tác quản lý nhà nước về môi trường, Tổng cục Môi trường đề xuất, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt chủ đề báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia trước năm lập báo cáo.
- Căn cứ những vấn đề bức xúc về môi trường và công tác quản lý nhà nước về môi trường của địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lập báo cáo chuyên đề về môi trường của địa phương trước năm lập báo cáo.
Điều 11. Tham vấn các bên liên quan về dự thảo báo cáo
- Căn cứ trên tình hình thực tế, Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường có thể lựa chọn một hoặc nhiều hình thức tham vấn sau:
a) Họp nhóm chuyên gia;
b) Hội thảo, lấy ý kiến các bên, các đơn vị có liên quan;
c) Xin ý kiến bằng văn bản.
- Việc xin ý kiến bằng văn bản quy định tại điểm c Khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:
a) Dự thảo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia được gửi xin ý kiến các Bộ ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan;
b) Dự thảo báo cáo hiện trạng môi trường địa phương được gửi xin ý kiến các Sở, ban ngành và các đơn vị có liên quan tại địa phương.
Điều 12. Trình, phê duyệt báo cáo
- Tổng cục Môi trường trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia.
- Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt báo cáo hiện trạng môi trường địa phương, báo cáo chuyên đề về môi trường của địa phương.
Điều 13. Cung cấp, công khai báo cáo
- Cung cấp báo cáo hiện trạng môi trường
a) Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia sau khi phê duyệt được gửi đến các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan;
b) Báo cáo hiện trạng môi trường địa phương, báo cáo chuyên đề về môi trường của địa phương sau khi phê duyệt được gửi đến Hội đồng nhân dân cùng cấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các sở, ban ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Công khai báo cáo hiện trạng môi trường:
a) Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Báo cáo hiện trạng môi trường địa phương, báo cáo chuyên đề về môi trường của địa phương được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Mục 2: BỘ CHỈ THỊ MÔI TRƯỜNG
Điều 14. Bộ chỉ thị môi trường
- Bộ chỉ thị môi trường quốc gia gồm 36 chỉ thị môi trường, 93 chỉ thị thứ cấp được phân thành 05 nhóm, gồm: nhóm chỉ thị động lực, nhóm chỉ thị sức ép, nhóm chỉ thị hiện trạng, nhóm chỉ thị tác động và nhóm chỉ thị đáp ứng.
- Bộ chỉ thị môi trường quốc gia quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
- Bộ chỉ thị môi trường địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, ban hành trên cơ sở bộ chỉ thị môi trường quốc gia.
Điều 15. Xây dựng bộ chỉ thị môi trường
- Tổng cục Môi trường giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng bộ chỉ thị môi trường quốc gia theo quy định tại Khoản 2 Điều 132 Luật bảo vệ môi trường năm 2014. Định kỳ 05 (năm) năm một lần, Tổng cục Môi trường rà soát, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét sửa đổi, bổ sung bộ chỉ thị môi trường quốc gia.
- Sở Tài nguyên và Môi trường giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng bộ chỉ thị môi trường địa phương theo quy định tại Khoản 3 Điều 132 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 bảo đảm số lượng chỉ thị đạt tối thiểu 75% số lượng chỉ thị môi trường quốc gia và đủ 05 (năm) thành phần theo mô hình DPSIR.
Điều 16. Cập nhật thông tin, số liệu của bộ chỉ thị môi trường
- Thông tin, số liệu của mỗi chỉ thị môi trường được quản lý bằng phiếu chỉ thị môi trường quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
- Thông tin, số liệu cập nhật của bộ chỉ thị môi trường được thực hiện từ các nguồn quy định tại Điều 6 Thông tư này.
- Hàng năm, cơ quan được giao quản lý bộ chỉ thị môi trường cập nhật thông tin, số liệu cho bộ chỉ thị môi trường.
Điều 17. Quản lý bộ chỉ thị môi trường
- Cơ quan xây dựng bộ chỉ thị môi trường quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 15 Thông tư này có trách nhiệm lưu trữ, thực hiện chế độ báo cáo về bộ chỉ thị môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Tổng cục Môi trường xây dựng, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường cơ sở dữ liệu vê bộ chỉ thị môi trường quốc gia; hướng dẫn Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu về bộ chỉ thị môi trường địa phương.
Điều 18. Sử dụng bộ chỉ thị môi trường
- Bộ chỉ thị môi trường được sử dụng để theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường; phục vụ công tác lập báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia và địa phương.
- Bộ chỉ thị môi trường được sử dụng để đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu môi trường trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia và địa phương.
Chương III
QUẢN LÝ SỐ LIỆU QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG
Điều 19. Số liệu quan trắc môi trường
- Số liệu quan trắc môi trường gồm:
a) Kết quả quan trắc môi trường định kỳ, kết quả quan trắc môi trường liên tục của chương trình quan trắc môi trường quy định tại Khoản 2 Điều này;
b) Báo cáo kết quả quan trắc môi trường, bao gồm: báo cáo kết quả quan trắc môi trường theo đợt và báo cáo tổng hợp năm (đối với quan trắc định kỳ); báo cáo kết quả quan trắc môi trường theo tháng, quý và năm (đối với quan trắc liên tục). Các báo cáo kết quả quan trắc phải bao gồm kết quả thực hiện QA/QC trong quan trắc môi trường.
- Chương trình quan trắc môi trường:
a) Chương trình quan trắc môi trường quốc gia gồm chương trình quan trắc môi trường lưu vực sông và hồ liên tỉnh; vùng kinh tế trọng điểm; môi trường xuyên biên giới và môi trường tại các vùng có tính đặc thù;
b) Chương trình quan trắc môi trường cấp tỉnh gồm các chương trình quan trắc thành phần môi trường trên địa bàn;
c) Chương trình quan trắc môi trường của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gồm quan trắc chất phát thải và quan trắc các thành phần môi trường theo quy định của pháp luật.
Điều 20. Quản lý số liệu quan trắc môi trường
- Tổng cục Môi trường giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý số liệu quan trắc môi trường quốc gia theo quy định tại Khoản 1 Điều 127 Luật bảo vệ môi trường năm 2014.
- Sở Tài nguyên và Môi trường giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý số liệu quan trắc môi trường của địa phương theo quy định tại Khoản 2 Điều 127 Luật bảo vệ môi trường năm 2014.
- Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quản lý số liệu quan trắc môi trường theo quy định tại Khoản 3 Điều 127 Luật bảo vệ môi trường năm 2014.
Điều 21. Chế độ báo cáo số liệu quan trắc môi trường
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị thuộc mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia được giao kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình quan trắc môi trường quốc gia có trách nhiệm gửi Tổng cục Môi trường số liệu quan trắc môi trường có liên quan quy định tại Khoản 1 Điều 19 Thông tư này để tổng hợp, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường số liệu quan trắc môi trường quy định tại Khoản 1 Điều 19 Thông tư này.
- Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật của khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thực hiện chế độ báo cáo theo quy định về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều này thực hiện báo cáo cho cơ quan thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường.
- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định tại Khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều này có trách nhiệm kiểm soát, bảo đảm chất lượng, tính chính xác và độ tin cậy của số liệu quan trắc môi trường.
- Việc báo cáo số liệu quan trắc môi trường quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 4 Điều này thực hiện theo hình thức, tần suất quy định tại Điều 22, Điều 23 Thông tư này.
Điều 22. Hình thức báo cáo số liệu quan trắc môi trường
- Hình thức số liệu quan trắc môi trường:
a) Định dạng số liệu quan trắc môi trường: số liệu quy định tại Khoản 1 Điều 19 Thông tư này được lưu trong tệp (file) máy tính định dạng word (.doc hoặc .docx) đối với báo cáo quan trắc môi trường; dạng file excel (.xls hoặc .xlsx) đối với kết quả quan trắc định kỳ; file text đối với kết quả quan trắc tự động, liên tục; được in trên giấy (trừ kết quả quan trắc tự động, liên tục);
b) Mẫu báo cáo kết quả quan trắc định kỳ đợt, năm thực hiện theo quy định tại Biểu A1, Biểu A2, mẫu báo cáo kết quả quan trắc không khí tự động, liên tục thực hiện theo quy định tại Biểu A3, Biểu A4, mẫu báo cáo kết quả quan trắc nước tự động, liên tục thực hiện theo quy định tại Biểu A5, Biểu A6 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Kết quả quan trắc định kỳ được lưu dạng tệp (file) excel (.xls hoặc .xlsx), định dạng chuẩn Unicode; kết quả quan trắc tự động, liên tục (bao gồm kết quả quan trắc và kết quả hiệu chuẩn) được lưu dạng tệp text, định dạng chuẩn ASCII (tiếng Việt không dấu).
- Gửi, tiếp nhận số liệu quan trắc môi trường:
a) Các báo cáo và kết quả quan trắc được đóng thành quyển, có chữ ký, đóng dấu của cơ quan báo cáo, gửi 01 bản đến cơ quan tiếp nhận quy định tại Khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều 21 Thông tư này. Các tệp báo cáo được gửi qua thư điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận;
b) Cơ quan tiếp nhận báo cáo xác nhận bằng văn bản về việc nhận báo cáo cho các đơn vị thực hiện báo cáo. Văn bản xác nhận là căn cứ xác định việc hoàn thành nhiệm vụ quan trắc môi trường.
Điều 23. Tần suất báo cáo số liệu quan trắc môi trường
- Đối với các đơn vị thực hiện chương trình quan trắc môi trường quốc gia, tần suất báo cáo như sau:
a) Gửi kết quả và báo cáo quan trắc môi trường định kỳ chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt quan trắc;
b) Gửi kết quả và báo cáo quan trắc môi trường theo tháng, quý trước ngày 15 của tháng tiếp theo;
c) Gửi báo cáo tổng hợp năm về kết quả quan trắc môi trường định kỳ và kết quả quan trắc liên tục, tự động trước ngày 15 tháng 3 của năm sau.
d) Truyền liên tục theo thời gian thực kết quả quan trắc tự động, liên tục.
- Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, tần suất báo cáo như sau:
a) Gửi báo cáo tổng hợp năm về kết quả quan trắc môi trường định kỳ và kết quả quan trắc liên tục, tự động trước ngày 31 tháng 3 của năm sau;
b) Truyền trực tuyến liên tục (24/24 giờ) kết quả quan trắc tự động, liên tục về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Kết quả quan trắc truyền về Bộ Tài nguyên và Môi trường bảo đảm nhu cầu cung cấp, sử dụng thông tin và đạt tối thiểu 80% tổng số kết quả quan trắc dự kiến của chương trình quan trắc.
- Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ:
a) Số liệu quan trắc môi trường của các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao báo cáo theo quy định về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại Khoản 4 Điều 21 Thông tư này gửi báo cáo kết quả quan trắc định kỳ chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt quan trắc; đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định tại Khoản 3 Điều 39 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu thực hiện truyền liên tục kết quả quan trắc tự động, liên tục theo thời gian thực về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương
Điều 24. Lưu trữ, công bố số liệu quan trắc môi trường
- Cơ quan được giao quản lý số liệu quan trắc môi trường quy định tại Điều 20 Thông tư này có trách nhiệm lưu trữ theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Tổng cục Môi trường xây dựng, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường quốc gia; hướng dẫn Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường địa phương.
- Định kỳ hàng năm, Tổng cục Môi trường cập nhật, công bố danh mục số liệu quan trắc môi trường quốc gia trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường.
- Định kỳ hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường cập nhật, công bố danh mục số liệu quan trắc môi trường của địa phương trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tàì nguyên và Môi trường.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 25. Kinh phí lập báo cáo hiện trạng môi trường, bộ chỉ thị môi trường và quản lý số liệu quan trắc môi trường
Kinh phí lập báo cáo hiện trạng môi trường, bộ chỉ thị môi trường và quản lý số liệu quan trắc môi trường sử dụng nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường theo quy định hiện hành.
Điều 26. Hiệu lực thi hành
- Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2015.
- Thông tư số 08/2010/TT-BTNMT ngày 18 tháng 3 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc xây dựng báo cáo môi trường quốc gia, báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực và báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh; Thông tư số 09/2009/TT-BTNMT ngày 11 tháng 8 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về xây dựng và quản lý các chỉ thị môi trường quốc gia và Thông tư 10/2009/TT-BTNMT ngày 11 tháng 8 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Bộ chỉ thị môi trường quốc gia đối với môi trường không khí, nước mặt lục địa, nước biển ven bờ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Điều 27. Trách nhiệm thi hành
- Tổng cục Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này; hướng dẫn phương pháp, tổng hợp thông tin cho bộ chỉ thị môi trường, giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết cấu trúc, định dạng file số liệu quan trắc môi trường.
- Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến báo cáo hiện trạng môi trường, xây dựng, thực hiện bộ chỉ thị môi trường; tổ chức, cá nhân thực hiện chương trình quan trắc môi trường quốc gia; chương trình quan trắc môi trường cấp tỉnh; chương trình quan môi trường của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
- Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương;
– Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Cục Kiểm tra văn bản QPPL – Bộ Tư pháp;
– Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ;
– Các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; Website của Bộ;
– Lưu: VT, TCMT, PC. TQ.300 |
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Minh Quang
|
DANH MỤC PHỤ LỤC
PHỤ LỤC I CẤU TRÚC BÁO CÁO HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG QUỐC GIA VÀ BÁO CÁO HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG
PHỤ LỤC II CẤU TRÚC BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ VỀ MÔI TRƯỜNG QUỐC GIA VÀ BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ VỀ MÔI TRƯỜNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG
PHỤ LỤC III BỘ CHỈ THỊ MÔI TRƯỜNG QUỐC GIA
PHỤ LỤC IV PHIẾU CHỈ THỊ MÔI TRƯỜNG
PHỤ LỤC V BÁO CÁO SỐ LIỆU QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG
Phụ lục được đính kèm trong file tải về.