Tìm kiếm văn bản

Thông tư 11/2010/TT-BXD hướng dẫn về quản lý cơ sở dữ liệu công trình ngầm đô thị do Bộ Xây dựng ban hành

Ngày 17/08/2010, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 11/2010/TT-BXD hướng dẫn về quản lý cơ sở dữ liệu công trình ngầm đô thị. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến dữ liệu công trình ngầm đô thị tại Việt Nam.

  • Tên văn bản:
    Thông tư 11/2010/TT-BXD hướng dẫn về quản lý cơ sở dữ liệu công trình ngầm đô thị do Bộ Xây dựng ban hành
  • Cơ quan ban hành:
  • Ngày ban hành:
    17/08/2010
  • Số hiệu:
    11/2010/TT-BXD
  • Hiệu lực:
    01/10/2010
  • Tình trạng:
    Còn hiệu lực
BỘ XÂY DỰNG
——-
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———
Số: 11/2010/TT-BXD Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 2010

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VỀ QUẢN LÝ CƠ SỞ DỮ LIỆU CÔNG TRÌNH NGẦM ĐÔ THỊ

Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị;
Bộ Xây dựng hướng dẫn về quản lý cơ sở dữ liệu công trình ngầm đô thị như sau:

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến dữ liệu công trình ngầm đô thị tại Việt Nam. Đối với dữ liệu công trình ngầm phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng tuân thủ theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 2. Cơ sở dữ liệu công trình ngầm đô thị

Nội dung cơ sở dữ liệu về công trình ngầm đô thị được quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị bao gồm:

  1. Dữ liệu về hiện trạng các công trình ngầm đô thị bao gồm:

a) Các bản vẽ hoàn công xây dựng của từng công trình ngầm được đưa vào dữ liệu gồm: Các bản vẽ mặt bằng, mặt cắt dọc, mặt cắt ngang, hệ thống đấu nối kỹ thuật thể hiện được vị trí, mặt bằng, chiều sâu công trình;

b) Bản vẽ hiện trạng hệ thống công trình ngầm đô thị được lập cho một khu vực của đô thị hoặc toàn đô thị trong đó thể hiện loại công trình ngầm, quy mô, vị trí, kích thước và hệ thống đấu nối kỹ thuật của các loại công trình.

  1. Dữ liệu về quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị bao gồm: Các đồ án quy hoạch đô thị hoặc các đồ án quy hoạch không gian xây dựng ngầm được quy định tại Điều 12, Điều 13 Nghị định 39/2010/NĐ-CP được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
  2. Các dữ liệu có liên quan về quản lý xây dựng ngầm đô thị:

a) Thông tin về cấp và loại công trình ngầm, quy mô và tính chất công trình, thời gian hoàn thành công trình và tình trạng sử dụng;

b) Thông tin về tên, địa chỉ và số điện thoại liên hệ của chủ sở hữu công trình ngầm;

c) Thông tin về tên, địa chỉ và điện thoại liên hệ các đơn vị quản lý,vận hành và đơn vị sử dụng các công trình ngầm;

  1. Dữ liệu công trình ngầm do các tổ chức hoặc cá nhân cung cấp cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu công trình ngầm tại địa phương là thuyết minh, bản vẽ, văn bản và dữ liệu đã được số hóa được quy định cụ thể như sau:

a) Dữ liệu công trình ngầm được quy định tại khoản 1 của Điều này là các bản vẽ và dữ liệu đã được số hóa;

b) Dữ liệu công trình ngầm được quy định tại khoản 2 của Điều này là thuyết minh tổng hợp, bản vẽ và dữ liệu đã được số hóa;

c) Dữ liệu được quy định tại khoản 3 của Điều này là các văn bản.

Điều 3. Trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong việc quản lý cơ sở dữ liệu công trình ngầm đô thị

  1. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh:

a) Chỉ đạo việc tổ chức lưu trữ hồ sơ; xây dựng cơ sở dữ liệu về công trình ngầm của các đô thị trên địa bàn mình quản lý theo quy định tại Điều 2 Thông tư này;

b) Ban hành các quy định về quản lý, phân cấp quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp dữ liệu về công trình ngầm đô thị;

c) Phân công, phân cấp trách nhiệm cho UBND các thành phố, thị xã thuộc tỉnh; Sở Xây dựng và các cơ quan chuyên môn khác thực hiện việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp dữ liệu về công trình ngầm của các đô thị trên địa bàn tỉnh;

d) Bố trí kinh phí cho công tác thu thập, điều tra khảo sát, rà soát, bổ sung, cập nhật và quản lý cơ sở dữ liệu công trình ngầm đô thị, kinh phí cho công tác này được lấy từ ngân sách nhà nước của tỉnh.

  1. Trách nhiệm của UBND thành phố, thị xã thuộc tỉnh:

a) Lập kế hoạch hàng năm về thu thập, điều tra khảo sát dữ liệu công trình ngầm theo phân cấp trên địa bàn quản lý để xây dựng cơ sở dữ liệu trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện, đồng thời rà soát, bổ sung cập nhật dữ liệu theo định kỳ;

b) Quản lý cơ sở dữ liệu công trình ngầm đô thị theo phân cấp của UBND cấp tỉnh; cung cấp dữ liệu công trình ngầm cho các tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu theo quy định của pháp luật;

c) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý cơ sở dữ liệu công trình ngầm theo phân cấp;

d) Tổ chức lưu trữ hồ sơ cơ sở dữ liệu công trình ngầm đô thị theo phân cấp và theo quy định của pháp luật về lưu trữ;

đ) Báo cáo tình hình lập và quản lý cơ sở dữ liệu công trình ngầm về Sở Xây dựng theo định kỳ.

  1. Trách nhiệm của Sở Xây dựng:

a) Tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cơ sở dữ liệu công trình ngầm của các đô thị trên địa bàn;

b) Chủ trì soạn thảo văn bản hướng dẫn về quản lý, phân cấp quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp dữ liệu công trình ngầm trình UBND cấp tỉnh phê duyệt;

c) Lập kế hoạch và tổng hợp kế hoạch hàng năm về thu thập, điều tra khảo sát dữ liệu công trình ngầm (bao gồm cả các dự án đang triển khai thi công xây dựng có thời gian thi công trên 3 năm) của các đô thị trên địa bàn tỉnh để xây dựng cơ sở dữ liệu công trình ngầm trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện, đồng thời rà soát, bổ sung cập nhật dữ liệu theo định kỳ;

d) Quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp dữ liệu về công trình ngầm theo phân cấp UBND cấp tỉnh và theo các quy định của pháp luật;

đ) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý, phân cấp quản lý cơ sở dữ liệu công trình ngầm;

e) Tổ chức lưu trữ hồ sơ cơ sở dữ liệu công trình ngầm đô thị theo phân cấp và theo quy định của pháp luật về lưu trữ;

f) Tổng hợp, báo cáo tình hình lập và quản lý cơ sở dữ liệu công trình ngầm của các đô thị trên địa bàn về Bộ Xây dựng theo định kỳ.

  1. Trách nhiệm của Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

a) Lưu trữ các hồ sơ, tài liệu về quy hoạch đô thị do mình quản lý theo quy định;

b) Cung cấp 01 bộ hồ sơ đồ án quy hoạch đô thị (thuyết minh tổng hợp, bản vẽ và dữ liệu đã được số hóa) cho Sở Xây dựng địa phương trong vòng 60 ngày kể từ ngày đồ án quy hoạch đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Cung cấp 01 bộ hồ sơ các đồ án quy hoạch đô thị (thuyết minh tổng hợp, bản vẽ và dữ liệu đã được số hóa) được phê duyệt từ trước khi thông tư này có hiệu lực thi hành cho Sở Xây dựng địa phương, thời hạn cung cấp theo kế hoạch do Sở Xây dựng địa phương quy định.

  1. Trách nhiệm của chủ sở hữu (hoặc đại diện chủ sở hữu) công trình ngầm.

a) Lưu trữ các hồ sơ, tài liệu về công trình ngầm đang sở hữu theo quy định;

b) Cung cấp 01 bộ dữ liệu công trình ngầm đang sở hữu theo quy định tại điểm a khoản 1 (bản vẽ và dữ liệu đã được số hóa) và khoản 3 (các văn bản) của Điều 2 Thông tư này cho cơ quan quản lý về cơ sở dữ liệu công trình ngầm theo phân cấp của UBND cấp tỉnh trong vòng 90 ngày kể từ ngày công trình được đưa vào sử dụng. Đối với công trình ngầm đã hoàn thành trước khi thông tư này có hiệu lực thi hành, chủ sở hữu có trách nhiệm cung cấp các dữ liệu trên cho cơ quan quản lý về cơ sở dữ liệu công trình ngầm theo phân cấp của UBND cấp tỉnh, thời hạn cung cấp do cơ quan quản lý về cơ sở dữ liệu công trình ngầm quy định;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các dữ liệu do mình cung cấp.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2010.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Xây dựng để nghiên cứu, giải quyết./.

Nơi nhận:
– Thủ tướng, các PTTg Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Văn phòng Chính phủ;
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Toà án nhân dân tối cao;
– Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước;
– Công báo, Website của Chính phủ;
– Cục kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
– Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Sở Quy hoạch kiến trúc các TP Hà Nội, Hồ Chí Minh;
– BXD: các Cục, Vụ, Viện, Thanh tra;
– Lưu: VP, Cục HTKT.

BỘ TRƯỞNG

Nguyễn Hồng Quân