(KTVN 233) – Luật Quy hoạch 2017 và vị trí của quy hoạch xây dựng trong hệ thống quy hoạch tại Việt Nam
Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 (Luật Quy hoạch 2017) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 24/11/2017, có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 01/01/2019. Sau khi Luật Quy hoạch 2017 được ban hành, đã có 48 Luật và 04 Pháp lệnh có quy định đến quy hoạch được các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung và trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua tại Luật số 28/2018/QH14 ngày 15/6/2018 (sửa đổi, bổ sung 11 Luật), Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 (sửa đổi, bổ sung 37 Luật) và Pháp lệnh số 01/2018/UBTVQH14 ngày 22/12/2018 (sửa đổi, bổ sung 04 Pháp lệnh).
Luật Quy hoạch 2017 xác lập quy hoạch tại Việt Nam bao gồm hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành:
Hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định tại Điều 5 Luật Quy hoạch 2017 bao gồm các quy hoạch cấp quốc gia; Quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; Quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định và quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành bao gồm các quy hoạch được quy định tại Phụ lục 2 của Luật này.
Trước khi Quốc hội ban hành Luật Quy hoạch 2017, Quy hoạch xây dựng được quy định theo Điều 13 Luật Xây dựng bao gồm 04 loại: (1) Quy hoạch xây dựng vùng, (2) Quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù, (3) Quy hoạch đô thị và (4) Quy hoạch xây dựng nông thôn. Quy định này thể hiện có 04 đối tượng không gian cần thiết phải được lập quy hoạch làm cơ sở hình thành, triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng.
Sau thời điểm Luật Quy hoạch 2017 có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2019, quy hoạch xây dựng vẫn bao gồm việc lập quy hoạch cho 04 đối tượng không gian nêu trên nhưng có những thay đổi về nội hàm của “vùng” lập quy hoạch và vị trí của các quy hoạch xây dựng trong mối quan hệ với các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch 2017. Cụ thể quy định tại Điều 13 Luật Xây dựng về các loại quy hoạch xây dựng được sửa đổi như sau:
Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng khu chức năng là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
Quy hoạch đô thị là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, bao gồm các loại quy hoạch được quy định tại Luật Quy hoạch đô thị. Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch đô thị theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị.
Quy hoạch nông thôn là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, bao gồm các loại quy hoạch được quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật Xây dựng.
Từ quy định trên thấy rằng, theo quy định pháp luật hiện nay thì đối tượng “vùng” phải lập quy hoạch xây dựng chỉ gồm các vùng liên huyện và vùng huyện. Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn (trước đây gọi là quy hoạch xây dựng nông thôn) thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia. Ngoài ra, nội dung sửa đổi Luật Xây dựng tại Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có quy định liên quan đến quy hoạch cũng xác định các khu chức năng (trước đây gọi là khu chức năng đặc thù) được quy định bao gồm khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; khu du lịch; khu nghiên cứu, đào tạo; khu thể dục thể thao.
Theo Luật Quy hoạch 2017, các khu chức năng là một nội dung được định hướng hình thành tại quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Khu chức năng phải được “định danh” từ quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh mới đủ căn cứ, cơ sở tổ chức lập quy hoạch xây dựng.
Như vậy, từ khi Luật Quy hoạch 2017 được ban hành và có hiệu lực thi hành, các quy hoạch xây dựng chỉ được lập trên địa bàn một tỉnh, không tổ chức lập, phê duyệt những quy hoạch xây dựng đối với những phạm vi không gian liên tỉnh hoặc liên các huyện thuộc hai tỉnh như trước đây nữa.
Vai trò của quy hoạch xây dựng trong thực tiễn và yên cầu về quy hoạch xây dựng trong nội dung quy hoạch tỉnh
Quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng đặc thù; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Quy hoạch xây dựng luôn cần phải đi trước một bước để làm cơ sở kế hoạch hóa đầu tư, hình thành các dự án đầu tư và là công cụ cần thiết để quản lý, kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn, hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi lập quy hoạch.
Quy hoạch xây dựng là quy hoạch không gian với mục tiêu sắp đặt vật thể, công trình kiến trúc. Nhiều đô thị ở Việt Nam, từ thời Pháp thuộc cũng đã được lập quy hoạch xây dựng để làm cơ sở hình thành các không gian đô thị như ngày nay (Hà Nội, Đà Lạt,…).
Quy hoạch xây dựng được lập theo các cấp độ khác nhau; việc định hướng phát triển đô thị, nông thôn và hình thành các dự án đầu tư xây dựng theo từng cấp độ (vùng, đô thị, nông thôn, một khu vực cụ thể) được xác định thông qua các cấp độ khác nhau của quy hoạch xây dựng. Thực tế, hệ thống các đồ án quy hoạch xây dựng được phân theo cấp độ (vùng, chung, phân khu và chi tiết), có nội dung yêu cầu riêng biệt nhưng có mối quan hệ mang tính biện chứng, không tách rời, là điều kiện và sự tiếp tục của nhau.
Trước đây, trên địa bàn một tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh được lập theo Luật Xây dựng nhằm cụ thể hóa các định hướng phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, của một vùng và của tỉnh; đồng thời quy hoạch xây dựng vùng tỉnh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là căn cứ tổ chức lập các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Đến nay, theo Luật Quy hoạch 2017, quy hoạch tỉnh sẽ là căn cứ, cơ sở để tổ chức lập các quy hoạch đô thị, nông thôn và quy hoạch xây dựng khu chức năng trong địa bàn tỉnh. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch, quy định về những vấn đề liên quan đến phát triển đô thị, nông thôn và khu chức năng đã được đề cập tại Luật Quy hoạch 2017, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ. Tuy nhiên, trong nội dung của quy hoạch tỉnh cần xác lập các định hướng, yêu cầu, quy định,… làm cơ sở để quy hoạch đô thị, nông thôn và quy hoạch xây dựng khu chức năng trong địa bàn tỉnh đặt ra những chương trình, dự án cụ thể và triển khai.
Trên cơ sở xác định các ngành mũi nhọn của tỉnh, hình thành các phân vùng cho các hoạt động kinh tế – xã hội của tỉnh và dự báo nhu cầu, định hướng sử dụng đất cấp tỉnh, nội dung cụ thể của quy hoạch tỉnh cần định hướng rõ các nội dung: (1) Xác định các phân vùng kiểm soát phát triển đô thị, nông thôn trên cơ sở các tiểu vùng hoạt động kinh tế – xã hội trong tỉnh, (2) Định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh: Mô hình phát triển, cấu trúc hệ thống đô thị và khu vực nông thôn cấp tỉnh; phân loại đô thị – nông thôn theo phân cấp hành chính để xác định các trung tâm, trọng điểm đô thị của tỉnh là hạt nhân của các phân vùng và (3) Yêu cầu đối với định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp tỉnh về quy mô, vị trí, hướng tuyến.
Đề xuất đảm bảo tính khả thi của quy hoạch tỉnh
Đổi mới công tác đào tạo về quy hoạch đáp ứng yêu cầu của phương pháp lập quy hoạch tích hợp, đa ngành. Các trường đào tạo hiện nay chủ yếu đang đào tạo theo hướng rất chuyên sâu (về kinh tế, xây dựng, đô thị, giao thông và hạ tầng kỹ thuật) nên để triển khai công tác lập quy hoạch mang tính tổng thể, đa ngành sẽ khó khăn.
Mặc dù Luật Quy hoạch 2017 đã hướng đến quy định địa phương lập quy hoạch là phương pháp tích hợp, tức là các ngành, lĩnh vực sẽ cùng phối hợp, kết hợp và chịu trách nhiệm về các nội dung tương ứng trong suốt quá trình nghiên cứu lập quy hoạch; nhưng để phương pháp lập quy hoạch tích hợp thực sự có hiệu quả, rất cần thiết phải có sự thay đổi ngay từ công tác đào tạo của các ngành, lĩnh vực.
Cần thiết phải xây dựng hệ thống các tài liệu tham khảo để kết hợp với văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm hình thành các nội dung về quy hoạch xây dựng trong quy hoạch tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển và đảm bảo nội dung quy hoạch tỉnh là “đầu vào” đối với các quy hoạch xây dựng. Đặc biệt lưu ý đến các nội dung hướng dẫn, yêu cầu cụ thể về công tác đánh giá hiện trạng, dự báo phát triển và xây dựng cơ sở dữ liệu về đô thị, nông thôn trong địa bàn tỉnh.
Quy định cụ thể hơn về các tổ chức tư vấn lập quy hoạch theo hướng phải có đầy đủ năng lực về các lĩnh vực như dự báo phát triển, sắp xếp, phân vùng, tổ chức không gian đô thị, nông thôn và kinh tế./.
Tài liệu tham khảo:
KTS Vũ Anh Tuấn – Giảng viên Khoa Quy hoạch, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội0