Câu hỏi: Một kiến trúc sư đang làm việc tại một công ty kiến trúc. Sau đó được một trường đại học mời về giảng dạy. Trường yêu cầu phải chuyển sổ bảo hiểm về trường để trường tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho kiến trúc sư. Hỏi: kiến trúc sư không muốn chuyển sổ bảo hiểm có được không?
Trả lời:
1. Cơ sở pháp lý
1. Thông tư 45/2014/TT-BGDĐT về việc chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (“Thông tư 45”)
2. Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT quy định về chế độ thỉnh giảng trong cơ sở giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (“Thông tư 44”)
3. Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành (“Quyết định 595″)
2. Nội dung trả lời
Hiện nay, giảng dạy trong các trường đại học bao gồm 2 loại giảng viên: giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng.
a) Giảng viên cơ hữu
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 45, “Giảng viên cơ hữu là người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn 03 năm hoặc hợp đồng không xác định thời hạn theo Bộ luật Lao động, không là công chức hoặc viên chức nhà nước, không đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác; do nhà trường trả lương và chi trả các khoản thuộc chế độ, chính sách đối với người lao động theo các quy định hiện hành.“
b) Giảng viên thỉnh giảng
Căn cứ Điều 2 Thông tư 44, giảng viên thỉnh giảng là nhà giáo hoặc người có đủ tiêu chuẩn của nhà giáo được quy định tại Điều 5 Thông tư 44 được cơ sở giáo dục đại học mời đến:
“a) Giảng dạy các môn học, học phần được quy định trong chương trình trung cấp chuyên nghiệp và đại học;
b) Giảng dạy các chuyên đề;
c) Hướng dẫn, tham gia chấm, hội đồng chấm đồ án, khoá luận tốt nghiệp; hướng dẫn, tham gia hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;
d) Hướng dẫn thí nghiệm, thực hành, thực tập theo các chương trình giáo dục;
đ) Tham gia xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, sách tham khảo.“
Hợp đồng giữa cơ sở giáo dục và giảng viên thỉnh giảng là hợp đồng vụ, việc. Việc giao kết, thực hiện, sửa đổi, chấm dứt hợp đồng thỉnh giảng thực hiện theo các quy định tại Mục 7 Chương XVII Bộ luật Dân sự. Không thực hiện hợp đồng lao động đối với hoạt động thỉnh giảng của cán bộ, công chức, viên chức. Trong hợp đồng thỉnh giảng phải có điều khoản nhà giáo thỉnh giảng cam kết bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ ở nơi mình công tác. (Điều 7 khoản 1 Thông tư 41).
“1. Người lao động đồng thời có từ 02 HĐLĐ trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất, đóng BHTNLĐ, BNN theo từng HĐLĐ.”
Như vậy, nếu kiến trúc sư là giảng viên thỉnh giảng cho cơ sở giáo dục, nơi đóng bảo hiểm là cơ quan hiện nay kiến trúc sư đang công tác, kiến trúc sư có quyền từ chối yêu cầu chuyển sổ bảo hiểm của trường. Trong trường hợp kiến trúc sư là giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục, kiến trúc sư phải thôi việc tại cơ quan hành nghề kiến trúc hiện đang công tác, đồng thời phải chuyển sổ bảo hiểm về cơ sở giáo dục.