Tìm kiếm văn bản

Thông tư 07/2004/TT-BVHTT hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do Bộ Văn hóa Thông tin ban hành

Ngày 19/02/2004, Bộ Văn hóa Thông tin ban hành Thông tư 07/2004/TT-BVHTT hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

  • Tên văn bản:
    Thông tư 07/2004/TT-BVHTT hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do Bộ Văn hóa Thông tin ban hành
  • Cơ quan ban hành:
  • Ngày ban hành:
    19/02/2004
  • Số hiệu:
    07/2004/TT-BVHTT
  • Hiệu lực:
    17/03/2004
  • Tình trạng:
    Còn hiệu lực
BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN
——–
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Số: 07/2004/TT-BVHTT Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2004

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ DI VẬT, CỔ VẬT, BẢO VẬT QUỐC GIA

Căn cứ quy định tại Điều 42 Luật Di sản văn hóa và quy định tại Điều 23 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa về việc đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Bộ Văn hóa – Thông tin hướng dẫn thực hiện như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

  1. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc đang quản lý hợp pháp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (sau đây gọi là chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia) không thuộc bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh hoặc di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã xếp hạng thực hiện việc đăng ký với Sở văn hóa – Thông tin địa phương nơi cư trú.
  2. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đang có tranh chấp về quyền sở hữu chỉ được đăng ký sau khi đã xác định rõ quyền sở hữu hoặc quyền quản lý hợp pháp.
  3. Đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc các bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh hoặc di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã xếp hạng được kiểm kê, bảo quản theo quy định tại Luật Di sản văn hóa.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

  1. Trình tự, thủ tục đăng ký.

– Chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có đơn đề nghị đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (mẫu Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này) gửi Sở Văn hóa – Thông tin nơi cư trú.

– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn của chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, Sở Văn hóa – Thông tin có trách nhiệm xem xét và trả lời về thời hạn tổ chức đăng ký. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục đăng ký, Sở Văn hóa – Thông tin có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (mẫu Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này) cho chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

  1. Nội dung đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

– Việc đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thực hiện bằng Phiếu đăng ký và Sổ đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (mẫu Phụ lục 2 và Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này).

  1. Nội dung Phiếu đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia:

a) Số đăng ký: Do Sở Văn hóa – Thông tin quy định.

b) Ngày đăng ký: ghi ngày/tháng/năm hiện vật được đăng ký.

c) Tên hiện vật: Ghi tên hiện vật theo loại hình, chất liệu, trang trí…(ví dụ: Bát sứ men trắng vẽ lam).

d) Phân loại:

– Giám định niên đại và xác định giá trị hiện vật đăng ký là di vật, cổ vật hoặc bảo vật quốc gia theo các tiêu chí quy định tại Điều 4 Luật Di sản văn hóa và Điều 2 của Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa, sau đó đánh dấu (X) vào ô tương ứng:

 Di vật: Cổ vật: Bảo vật quốc gia:

– Đối với bảo vật quốc gia phải kèm theo Quyết định công nhận của Thủ tướng Chính phủ.

đ) Số lượng:

– Số lượng hiện vật: nếu hiện vật chỉ gồm một đơn vị hiện vật thì ghi 01 (Ví dụ: Nghiên mực chỉ là một hiện vật thì ghi 01); trường hợp hiện vật gồm nhiều bộ phận hợp thành thì ghi số lượng các bộ phận hợp thành một đơn vị kiểm kê của hiện vật (Ví dụ: Hiện vật là Bộ trang phục nam dân tộc Việt gồm 3 thành phần thì ghi: 03 (quần, áo, khăn); chân đèn gốm gồm hai phần thì ghi 02 (thân đèn, chân đèn). Hiện vật là Bộ ấm chén gồm 01 ấm, 04 chén (ly), 04 đĩa thì ghi số lượng là 09 (một ấm, bốn chén, bốn đĩa).

e) Kích thước:

– Kích thước được tính bằng đơn vị cm. Ghi rõ các kích thước cơ bản của hiện vật: đường kính miệng (ĐKM:), đường kính đáy (ĐKĐ:), cao (C:) ; đối với hiện vật hình hộp ghi kích thước dài (D:), rộng (R:), cao (C:).

– Đối với các kích thước khó xác định thì ghi chú thêm các điểm chuẩn để đo.

g) Trọng lượng:

– Trọng lượng được tính bằng đơn vị gram. Hiện vật là kim loại quý thì ghi theo trọng lượng quy định trên cân tiểu ly.

h) Miêu tả:

Miêu tả ngắn gọn đặc điểm của hiện vật theo trình tự sau đây:

– Tên hiện vật

– Chất liệu.

– Hình dáng (từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài).

– Màu sắc.

– Đề tài trang trí.

– Kỹ thuật trang trí.

– Dấu tích đặc biệt (Ví dụ: vết cháy hay vết mực, vết sứt, mẻ, vỡ…).

  1. i) Nguồn gốc, xuất xứ:

Ghi rõ nguồn gốc của hiện vật:

– Sưu tầm

– Hiến tặng, cho

– Trao đổi, chuyển nhượng

– Mua

– Thừa kế.

– Các hình thức khác.

k) Niên đại:

Căn cứ kết quả giám định ghi niên đại hiện vật theo niên đại tuyệt đối hoặc tương đối và xuất sứ.

– Niên đại tuyệt đối ghi thời điểm hiện vật được chế tác hoặc hình thành chính xác tới năm.

– Niên đại tương đối ghi thời điểm hiện vật được chế tác, hình thành theo thế kỷ hoặc thời kỳ: Kỷ địa chất; Thời kỳ đá cũ, Sơ kỳ đá cũ, Hậu kỳ đá giữa, Thời kỳ đá mới, Thời Lý, Thời Trần, Thời Lê sơ, Thời Nguyễn.v.v.

l) Tình trạng bảo quản:

– Ghi rõ hiện trạng bảo tồn: nguyên, sứt mẻ, vỡ, bị rách, nát, mối mọt, vỡ gắn lại, đã tu sửa…

m) Hội đồng giám định:

– Ghi rõ Hội đồng giám định thuộc địa phương nào. Tên của những người giám định.

n) Thay đổi chủ sở hữu:

– Ghi rõ họ, tên, địa chỉ của các chủ sở hữu cũ cũng như thời gian thay đổi về chủ sở hữu.

o) Họ và tên chủ sở hữu:

– Chủ sở hữu ký tên, ghi rõ họ tên và địa chỉ liên hệ.

p) Số phim: Ghi số phim của ảnh hiện vật.

q) Số phiếu: Ghi số thứ tự của phiếu đăng ký theo quy định của Sở Văn hóa – Thông tin.

ảnh hiện vật: Chụp 02 kiểu ảnh thể hiện các đặc trưng cơ bản của hiện vật. Có thể chụp 01 ảnh tổng thể và 01 ảnh đặc tả chi tiết quan trọng nhất giúp cho việc nghiên cứu giá trị hoặc nhận dạng hiện vật.

Phiếu đăng ký được lập thành hai bản. Tổ đăng ký giữ một bản, chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia giữ một bản.

  1. Sổ đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

 – Nội dung ghi chép trong Sổ đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là nội dung của Phiếu đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Riêng nội dung mục Miêu tả hiện vật có thể ghi tóm tắt, rút gọn lại. Mục Ghi chú của Sổ đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ghi những vấn đề mà Tổ đăng ký thấy cần lưu ý để theo dõi, quản lý hiện vật.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

  1. Trách nhiệm của Sở Văn hóa – Thông tin.

– Thành lập Tổ đăng ký di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia và cử một đồng chí trong Ban Giám đốc Sở làm Tổ trưởng.

– Giao cho Bảo tàng cấp tỉnh hoặc Ban quản lý di tích tỉnh, thành phố làm bộ phận thường trực của Tổ đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và cử các cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ về giám định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia của bảo tàng hoặc ban quản lý di tích tham gia Tổ đăng ký. Trong trường hợp cần thiết, Sở Văn hóa – Thông tin có thể mời chuyên gia về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ở các cơ quan nghiên cứu tham gia với tư cách là cộng tác viên khoa học.

– Xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách cho việc đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

  1. Trách nhiệm của Tổ đăng ký.

– Tiếp nhận đơn, xem xét và trả lời chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia về kế hoạch tổ chức đăng ký theo thẩm quyền được quy định tại Thông tư này.

– Tổ chức thẩm định và đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

– Trình Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin kết quả đăng ký và đề nghị Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin cấp Giấy chứng nhận đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

– Quản lý Phiếu đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, Sổ đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, phim ảnh và các tài liệu khác có liên quan.

– Tổ đăng ký có thể phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa – thông tin cấp huyện tổ chức việc đăng ký lưu động ở các địa bàn khác nhau thuộc địa phương mình.

  1. Trách nhiệm của chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

– Chủ sở hữu có trách nhiệm nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật và thực hiện các yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Văn hóa – Thông tin và Tổ đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

  1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.
  2. Cục Di sản văn hóa có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
 

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA -THÔNG TIN

Phạm Quang Nghị

DANH MỤC PHỤ LỤC

PHỤ LỤC 1 MẪU ĐƠN XIN ĐĂNG KÝ DI VẬT, CỔ VẬT, BẢO VẬT QUỐC GIA

PHỤ LỤC 2 MẪU PHIẾU ĐĂNG KÝ DI VẬT, CỔ VẬT, BẢO VẬT QUỐC GIA

PHỤ LỤC 3 SỔ ĐĂNG KÝ DI VẬT, CỔ VẬT, BẢO VẬT QUỐC GIA

PHỤ LỤC 4 MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DI VẬT, CỔ VẬT, BẢO VẬT QUỐC GIA

Phụ lục được đính kèm trong file tải về.